Tiểu sử Tư Mã Tương Như

Tư Mã Tương Như người ở Thành Đô, Thục Quận (nay là Tứ Xuyên). Ông có bổn danh Khuyển Tử (犬子), sau do thăm mộ của Lận Tương Như mà đổi tên thành Tương Như.

Vốn con người phóng lãng hào hoa rất mực, ông mua được một chức quan nhỏ thời Hán Cảnh Đế. Vốn Cảnh Đế không thích từ phú, làm quan trong ít lâu, ông chán nên cáo bịnh qua chơi nước Lương, được Lương Hiếu vương Lưu Vũ (em trai cùng mẹ với Cảnh Đế) thu dụng trong triều đình nước Lương, do Lương vương có nhiều từ phú tác gia nên Tư Mã Tương Như rất thích. Sau khi Lương Hiếu vương qua đời, Tư Mã Tương Như trở về nước Thục. Đến đâu, Tương Như cũng dùng bút mực và cây đàn để giao thiệp bằng hữu. Khi lìa quê lên Trường An để lập công danh, đến con sông đầu làng, Tương Như viết trên cầu một câu: "Bất thừa cao xa tứ mã, bất phục quá thử kiều" (Không ngồi xe cao bốn ngựa, không qua lại cầu này nữa).

Trong khi đến đất Lâm Cùng, Tương Như vốn sẵn quen với Vương Cát là quan lệnh ở huyện, nên đến chơi. Cát lại mời Tương Như cùng đi dự tiệc ở nhà Trác Vương Tôn (卓王孙), vốn là quan viên ngoại trong huyện. Nghe tiếng Tương Như đàn hay nên quan huyện cùng Trác Vương Tôn yêu cầu đánh cho một bài. Họ Trác vốn có một người con gái rất đẹp tên Trác Văn Quân, còn nhỏ tuổi mà sớm góa chồng, lại thích nghe đàn. Tương Như được biết, định ghẹo nàng, nên vừa gảy đàn vừa hát khúc "Phượng cầu hoàng" (鳳求凰; Chim phượng trống tìm chim phượng mái).

鳳求凰...鳳兮鳳兮歸故鄉,遨遊四海求其凰。時未遇兮無所將,何悟今兮昇斯堂!有艷淑女在閨房,室邇人遐毒我腸。何緣交頸為鴛鴦,胡頡頏兮共翱翔!Phượng cầu hoàng...Phượng hề, phượng hề quy cố hương,Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng,Thời vị ngộ hề vô sở tương,Hà ngộ kim tịch đăng tư đường.Hữu diệm thục nữ tại khuê phường,Thất nhĩ nhân hà sầu ngã trường.Hà duyên giao cảnh vi uyên ươngTương hiệt cương hề cộng cao tường.Chim phượng cầu chim hoàng...Chim phượng, chim phượng về cố hương,Ngao du bốn bể tìm chim hoàngThời chưa gặp chừ, luống lỡ làng.Hôm nay bước đến chốn thênh thang.Có cô gái đẹp ở đài trang,Nhà gần người xa não tâm tràng.Ước gì giao kết đôi uyên ương,Bay liệng cùng nhau thỏa mọi đường.

Trác Văn Quân nghe được tiếng đàn, lấy làm say mê, đương đêm bỏ nhà đi theo chàng. Trác ông tức giận, quyết định từ con. Đôi trai gái đó mở một quán nấu rượu. Vợ chồng cùng cặm cụi làm ăn. Câu chuyện này về sau được dân gian truyền tụng, gọi tích là Cầm thiểu Văn Quân (琴挑文君).

Sau Hán Vũ Đế đọc bài Tử hư phú của Tương Như, khen tài mới vời vào triều, ban chức tước. Lại sai chàng cầm cờ tiết, thay nhà vua về Ba Thục chiêu an bọn phụ lão tùng phục nhà Hán. Lần này thỏa chí bình sinh, Tương Như áo gấm vinh quy được người đón rước long trọng. Chàng sáng tác tiếp Thượng lâm phú (上林赋), cùng Tử hư phú về sau trở thành danh tác thời Hán, miêu tả đạt tới cực hạn, biểu hiện ra độ cao tu từ kỹ xảo.

Ít lâu sau, vì lạm dụng sức dân Ba Thục mà dân chúng tại nơi này làm phản. Hán Vũ Đế lệnh Tư Mã Tương Như dụ dân chúng Ba Thục, nên ông làm bài Dụ Ba Thục hịch (喻巴蜀檄). Hán Vũ Đế sau đó phái Tương Như làm sứ đi Tây Nam di, cầm Tiết sứ, phong làm Trung lang tướng đến Tây Nam di, có công trạng, nhưng bị tố giác nhận hối lộ, bèn bị bãi chức. Trước khi chết, ông có làm Phong thiện thư (封禅书), khuyên Hán Vũ Đế tiến hành phong thiện.